Lịch sử hoạt động USS Piranha (SS-389)

1944

Sau khi hoàn tất việc chạy thử máy và huấn luyện tại vùng bờ Đông Hoa Kỳ, Piranha khởi hành từ Key West, Florida vào ngày 3 tháng 4, 1944 để hướng sang khu vực Thái Bình Dương ngang qua kênh đào Panama, và đi đến Trân Châu Cảng vào ngày 18 tháng 5, 1944, nơi nó được tiếp tục huấn luyện bổ sung.[1]

Chuyến tuần tra thứ nhất

Khởi hành từ Trân Châu Cảng vào ngày 14 tháng 6 cho chuyến tuần tra đầu tiên trong chiến tranh, Piranha phối hợp hoạt động cùng một đội tấn công phối hợp ("Bầy sói") vốn còn bao gồm các tàu ngầm Guardfish (SS-217), Thresher (SS-200)Apogon (SS-308). Đơn vị tuần tra tại vùng biển phía Bắc và phía Tây Luzon, Philippines, tấn công các đoàn tàu vận tải trong khu vực, và nhiều lần bị tàu chiến và máy bay tuần tra tấn công. Riêng Piranha vào ngày 12 tháng 7 đã phóng ngư lôi đánh chìm tàu chở hành khách Nichiran Maru (6.504 tấn) lúc 07 giờ 20 phút trong eo biển Ba Sĩ, tại tọa độ 18°50′B 122°40′Đ / 18,833°B 122,667°Đ / 18.833; 122.667;[15][16] 1.238 binh lính, một pháo thủ cùng 15 thủy thủ đã tử trận cùng con tàu.[1]

Bốn ngày sau đó, lúc 09 giờ 46 phút, Piranha tiếp tục phóng ngư lôi tấn công tàu chở hành khách Seattle Maru (5.773 tấn), lúc này đang vận chuyển hơn 4.000 binh lính Lục quân Nhật Bản từ Cao Hùng, Đài Loan sang Manila, Philippines. Seattle Maru đắm tại tọa độ 19°17′B 120°15′Đ / 19,283°B 120,25°Đ / 19.283; 120.250;[15][17] 296 binh lính, 25 pháo thủ cùng 45 thủy thủ đã tử trận cùng con tàu. Chiếc tàu ngầm kết thúc chuyến tuần tra khi quay trở về căn cứ Majuro tại quần đảo Marshall vào ngày 8 tháng 8.[1]

Chuyến tuần tra thứ hai

Trong giai đoạn đầu của chuyến tuần tra thứ hai, từ ngày 30 tháng 8 đến ngày 25 tháng 9, Piranha tham gia cùng chín tàu ngầm khác trong hoạt động trinh sát bảo vệ cho Đệ Tam hạm đội trong cuộc đổ bộ lên Peleliu. Sau khi cuộc đổ bộ thành công, đội trinh sát được giải tán và Piranha tuần tra dọc vĩ tuyến 20. Nó đụng độ một tàu tuần tra vào ngày 9 tháng 10, chịu đựng đợt tấn công bằng mìn sâu nhưng thoát được, và quay trở về Trân Châu Cảng vào ngày 23 tháng 10.[1]

Chuyến tuần tra thứ ba

Hoạt động phối hợp cùng một "Bầy sói" trong chuyến tuần tra thứ ba từ ngày 19 tháng 11 đến ngày 13 tháng 1, 1945, ngoài việc truy tìm tàu bè đối phương trong biển Hoa Đông, Piranha còn làm nhiệm vụ tìm kiếm và giải cứu hỗ trợ cho chiến dịch không kích của máy bay ném bom B-29 Superfortress xuống đảo Kyūshū. Ngoài khơi quần đảo Ryūkyū, trong đợt tấn công vào đêm 8 tháng 1, nó phóng trúng hai quả ngư lôi và gây hư hại cho chiếc tàu buôn Shinto Maru số 2 tại tọa độ 29°55′B 130°05′Đ / 29,917°B 130,083°Đ / 29.917; 130.083,[18] nhưng bị tàu hộ tống đối phương ngăn chặn nên không thể tiếp tục tấn công.[1]

1945

Chuyến tuần tra thứ tư

Sau khi được tái trang bị tại Guam, Piranha lên đường vào ngày 11 tháng 2 cho chuyến tuần tra thứ tư, cùng với "Bầy sói" của nó săn lùng các đoàn tàu vận tải đi lại giữa Luzon, Đài LoanHong Kong. Chiếc tàu ngầm dành ra 17 ngày làm nhiệm vụ tìm kiếm và giải cứu hỗ trợ cho chiến dịch không kích xuống Đài Loan, và đã đánh chìm một tàu buồm vào ngày 27 tháng 2, nghi ngờ là một tàu trinh sát máy bay. Một đoàn tàu vận tải đối phương được cho là đã khởi hành từ Hong Kong vào ngày 5 tháng 3, nhưng đang khi tiếp cận mục tiêu, chiếc tàu ngầm lọt vào giữa một đám đông tàu đánh cá Trung Quốc và không thể tìm ra mục tiêu. Nó tiến hành bắn phá đảo Đông Sa bằng 100 quả đạn pháo 5 in (130 mm) vào ngày 26 tháng 3, rồi dành ra 10 ngày tuần tra chung quanh đảo Wake và trải qua ba lượt bị máy bay tuần tra đối phương tấn công, trước khi quay trở về Midway vào ngày 21 tháng 4.[1]

Chuyến tuần tra thứ năm

Rời Midway vào ngày 17 tháng 5 cho chuyến tuần tra thứ năm, Piranha tuần tra ngoài khơi đảo Marcus từ ngày 22 đến ngày 31 tháng 5, nơi nó nhiều lần bị các khẩu đội phóng phòng thủ duyên hải nhắm bắn. Chiếc tàu ngầm được tiếp nhiên liệu tại trước khi tiếp tục tuần tra ngoài khơi đảo chính quốc Honshū. Đến giai đoạn này của cuộc xung đột, tàu buôn đối phương thường di chuyển dọc bờ biển ở vùng nước nông, khiến tàu ngầm gặp bất lợi khó cơ động khi đối đầu với máy bay hay tàu săn ngầm đối phương. Dù sao, Piranha vẫn gây hư hại cho một tàu buôn vào ngày 14 tháng 6, đánh chìm một tàu chở dầu duyên hải và phá hủy một tàu đánh cá chở dầu bằng hải pháo ba ngày sau đó. Ở phía Bắc Honshū vào ngày 22 tháng 6, nó phóng hai quả ngư lôi nhắm vào Tàu phòng vệ duyên hải số 196 tại tọa độ 39°31′B 142°39′Đ / 39,517°B 142,65°Đ / 39.517; 142.650, phá hủy bánh lái và khiến hai thủy thủ tử trận.[19] Thêm hai tàu đánh cá khác bị phá hủy bởi hải pháo vào ngày 23 tháng 6, và cho dù bị hư hại nhẹ khi các tàu hộ tống phản công bằng mìn sâu, chiếc tàu ngầm rút lui về Trân Châu Cảng an toàn vào ngày 10 tháng 7.[1]

Chuyến tuần tra thứ sáu

Chuyến tuần tra cuối cùng của Piranha chỉ kéo dài 14 giờ. Nó khởi hành từ Trân Châu Cảng vào ngày 14 tháng 8, và được lệnh quay trở về cảng sau khi Nhật Bản chấp nhận đầu hàng vào ngày hôm sau, giúp chấm dứt vĩnh viễn cuộc xung đột.[1]

Sau chiến tranh

Quay trở về San Francisco, California vào ngày 11 tháng 9, Piranha được cho xuất biên chế tại Xưởng hải quân Mare Island vào ngày 31 tháng 5, 1946, và được đưa về Hạm đội Dự bị Thái Bình Dương.[1][13][14] Đang khi trong thành phần dự bị, Piranha được xếp lại lớp như một "tàu ngầm phụ trợ" và mang ký hiệu lườn mới AGSS-389 vào ngày 6 tháng 11, 1962.[1][13] Tên nó được cho rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 1 tháng 3, 1967,[1][13][14] và con tàu cuối cùng được bán cho hãng Portsmouth Salvage Co. tại Portsmouth, Virginia để tháo dỡ vào ngày 11 tháng 8, 1970.[13]

Tháp chỉ huy của con tàu được bảo tồn và trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Chiến tranh Thái Bình Dương tại Fredericksburg, Texas.[1][14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: USS Piranha (SS-389) https://www.history.navy.mil/research/histories/sh... http://navsource.org/archives/08/pdf/0829295.pdf http://www.ibiblio.org/hyperwar/Japan/IJN/JANAC-Lo... http://www.navsource.org/archives/08/08389.htm https://uboat.net/allies/warships/ship/5958.html https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:USS_Pi... http://www.navsource.org/archives/08/08340.htm https://archive.org/details/americansubmarin0000le... https://www.history.navy.mil/research/library/onli... http://www.combinedfleet.com/CD-28_t.htm